xx

https://lh4.googleusercontent.com/jwHXKk9yK83mb2U0iyp-OSXs7OZgoEcJKB4V-xqOO7STOu0djuO_hHd_dM8GkXjIamwCDoDrZRAdRPT5gaYIUOXwHgEk7mRpK7R7aGCo-eeVOtK72Nk

Địa chủ ác ghê. Tranh Babui.
Địa chủ ác ghê. Tranh Babui.

Friday, 14 August 2015

Thư số 46a gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam



                         Thư số 46a gởi:
                         Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
                                                                   Phạm Bá Hoa
Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”.

Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi.

Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc và Dân Tộc! Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Xin gọi chung Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là Các Anh để tiện xưng hô. Chữ “Các Anh” viết hoa, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng.

Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với nội dung thư này, tôi nghĩ là Các Anh nhận ra mức độ bành trướng nham hiểm cùa Trung Cộng lấn chiếm Biển Đông, đồng thời đẩy Việt Nam vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Mức độ  nguy hiểm này, hoặc đẩy Việt Nam "vào tay Trung Cộng" trước năm 2020, hoặc buộc Việt Nam vào thế "phải thoát Trung Cộng" là tùy vào quyết định của nhóm lãnh đạo Việt Cộng.      

Thứ nhất. Biển Đông, Trung Cộng bành trướng quyền lực.

Điều 60 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, không có quy chế cho các đảo nhân tạo (Artificial islands), như sau: "Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, hoặc thềm lục địa.
Với điều Luật trên, hành động của Trung Cộng bồi đấp các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, là không giá trị. Vì vậy mà ngày 24/9/2014 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổng Thốing Philippines Benigno Aquino III, đã tố cáo hành động cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo  nhân tạo của Trung Cộng. Ngày 8/10/2014, đài Á Châu Tự Do trích  bản tin của Tân Hoa Xã, theo đó thì Trung Cộng đã hoàn thành một sân bay trên đảo Phú Lâm trong Nhóm Đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa, với đường băng dài 2.000 thước. 

Bài báo Tân Hoa Xã viết rằng: “Đường băng mới hoàn thành tại đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa, sẽ nâng cao khả năng quốc phòng của Trung Cộng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Ngày 13/7/2015, hình do vệ tinh của công ty DigitalGlobe chụp và công bố: "Trung Cộng đang mở rộng hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đường băng cũ trên đảo Phú Lâm, nay là đường băng mới dài khoảng 3.000 thước, đủ sức tiếp nhận các loại máy bay quân sự của Trung Cộng. Các bức ảnh chụp từ vệ tinh http://img-us.24hstatic.com/upload/2-2015/images/2015-06-26/1435305977-zoxz1_iqqx.jpgcho thấy Trung Cộng đang xây nhiều cơ sở để chứa máy bay chiến đấu tại đây.... Trong khi đó, trên đảo Quang Hòa có một doanh trại quân đội mới xây xong. Cùng lúc, đảo Duy Mộng mà Trung Quốc chiếm đóng gần đó, các tòa nhà mới cũng xây cất xong (trích trong Wikipwdia).

Ngày 16/3/2015, Đá Vành Khăn (Anh ngữ là Mischief Reef) là rạn san hô "nửa vòng cung" thuộc Cụm Bình Nguyên, sâu từ 18,3 đến 29,2 thước về phía đông của cụm Gạc Ma. Đá Vành Khăn là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Phi Luật Tân, và Trung Cộng, nhưng Trung Cộng đã kiểm soát đảo Đá này từ tháng 2/1995. Tên Mischief là do nhà làm bản đồ Henry Spratly đặt vào năm 1791 khi ông đi qua vùng quần đảo Trường Sa (trích trong Wikipedia).

Ngày 26/5/2015, hình Đá Gạc Ma do IHS Janes chụp và Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) giải đoán cơ sở nơi đây như sau: "Một hải cảng nhỏ có khu vực neo đậu, 2 trạm chất hàng, 2 bãi đáp trực thăng, 3 hệ thống có thể là ăng ten liên lạc vệ tinh, 1 cơ sở đa nhiệm lớn, 2 tháp radar đang xây dựng, có thể là 6 tháp giám sát dành cho vũ khí, 4 tháp vũ khí, 1 hải đăng, 1 trạm năng lượng mặt trời với 44 tấm pin và 3 tuabin gió" (trích trong Tiềnphong online 27/5/2015).

Ngày 28/6/2015, bản tin trên báo Washington Post, cho thấy Trung Cộng gần như hoàn tất việc xây dựng một đường băng dài khoảng 3.000 thước trên đảo  Đá Chữ Thập. Hình mới nhất do Digital Globe chụp ngày 2 và 13/7/2015, cung cấp cho Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế & Chiến Lược (CSIS) có trụ sở tại Washington DC. Theo AMTI, việc xây dựng căn cứ Không Quân vẫn còn tiếp tục với việc "lát mặt bằng, đánh dấu đường băng,  xây thềm đế máy bay, hệ thống cảm biến, và bổ sung các cơ sở yểm trợ”. Hình ảnh chụp Đá Chữ Thập còn cho thấy một chiến hạm neo đậu tại đó (trích trong VNEXPRESS 28/7/2015).

Đá Subi. Hình bến trái chụp ngày 6/2/2015, và hình bên phải chụp ngày 17/4/2015. Hai hình với độ phân giải cao, cho thấy chỉ trong 10 tuần lễ mà Trung Cộng đã biến đảo nổi Subi có dạng một phi trường trên diện tích khoảng 2,65 cây số vuông.
(Hình ảnh bãi đá Subi với dải đất dài hơn 3.000 thước chụp từ vệ tinh. Ảnh: Airbus Defense & Space/Digital Globe).
The Diplomat đưa tin: "Kích thước và hình dạng dải đất phù hợp một đường băng dài 3.300 thước, tương đương với độ dài đường băng mà Bắc Kinh đang xây trên đá Chữ Thập".

Ngày 18/7/2015, với hình Đá Subi mà Trung Cộng bồi đấp do Victor Robert Lee chụp, giúp giải đoán như sau: "Chiều rộng của Đá Subi sau khi bồi đấp, đủ để thực hiện đường băng cùng một đường song song cho máy bay ra đường băng. Tấm hình bên trái do vệ tinh chụp, cho phép giải đoán là Trung Cộng đang xây một đường băng lớn cho phi cơ sử dụng, vì tổng số xe chở bê tông là 34 chiếc, tức là thêm 14 chiếc so với ảnh vệ tinh chụp ngày 5/6/2015. Riêng  tàu nạo vét bồi đắp quanh Subi chỉ còn 3 chiếc vẫn tiếp tục, tức là giảm 11 chiếc so với 6 tuần lễ trước đó. Được hiểu là công tác bồi đấp sắp hoàn tất, trong khi công tác xây cất dồn dập hơn trước" (trích trong VNEXPRESS 28/7/2015).

Các Anh có nhận ra những Đá Ngầm trên đây đã trở thành đảo nổi với những căn cứ quân sự xây dựng trên đó không? Tôi tin là nét nhìn của tôi không sai. V tôi nghĩ, cũng nên nhìn lại "hạm đội tàu cá" là một lực lượng mà các đối thủ của Trung Cộng không thể thiếu trong kế hoạch gìn giữ hòa bình Biển Đông. Xin nhắc lại sự kiện hồi tháng 4/2013, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã tới thăm làng chài Đàm Môn tỉnh Hải Nam, để gặp gỡ Ngư Dân và Dân Quân. Mặc dù "Dân Quân Biển" của làng Đàm Môn là tương đối nhỏ, nhưng đây là lực lượng dẫn đầu về kỹ thuật và hoạt động đối với những tổ chức "Dân Quân Biển" phối hợp hoạt động với Hải Quân Trung Cộng trên Biển Đông. Từ đó, nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam đã dành ngân khoản đáng kể để phát triển đội tàu đánh cá, với loại tàu vừa lớn vừa là vỏ tàu bằng thép để chống loại đạn thông thường. Tính đến ngày 13/3/2015, làng Đàm Môn đã nhận tàu thứ 17 trong tổng số 29 tàu đánh cá vỏ thép với trọng lượng 500 tấn mỗi chiếc, được trang bị đầy đủ phương tiện từ hệ thống liên lạc, thức ăn nước uống, ..v..v ..., và hoạt động dài ngày trong mọi điều kiện thời tiết trên biển. Tỉnh Hải Nam đang nỗ lực phát triển đội tàu cá cùng khả năng hoạt động "Lực Lượng Dân Quân Biển" của họ.

Trước tình trạng đó, tờ National Interest của Hoa Kỳ cảnh báo: "Sự hiện diện của "Lực Lượng Dân Quân Biển" vừa đánh cá vừa là lực lượng mà Trung Cộng có cớ để điều động các loại tàu khác -kể cả chiến hạm Hải Quân- đến bảo vệ. 

Tóm tắt. Đến đầu tháng 8/2015, tổng quát thì Trung Cộng đã bồi đấp mở rộng diện tích quy mô tại 7 bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa, là: Đá Chữ Thập,  đá  Gaven, đá  Châu Viên, đá  Gạc ma, đá  Tư  Nghĩa, đá  Vành Khăn, đá Subi, và đang trong giai đoạn xây dựng những căn cứ trên đó. Cũng vì vậy mà Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã tuyên bố trong Hội Nghị ASEAN 48 rằng, họ đã ngừng công tác bồi đấp rồi, nhưng thật ra thì giai đoạn bồi đấp đã xong và họ chuyển sang giai đoạn xây dựng căn cứ, chớ không phải bị quốc tế phản đối mà họ ngưng. Như vậy, các căn cứ của Trung Cộng trên các đảo thiên nhiên và đảo nhân tạo từ các Đá Ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cộng với căn cứ Hải Quân và Không Quân trên đảo Hải Nam, đã tạo nên một chuỗi căn cứ quân sự theo chiều Bắc Nam trên Biển Đông, đủ mạnh cho Trung Cộng khống chế nhóm lãnh đạo Việt Cộng dưới dạng nào đó. Cũng với sức mạnh đó, vào lúc nào mà Trung Cộng cho là thuận lợi, rất có thể họ sẽ tuyên bố "vùng nhận dạng phòng không" để kiểm soát cả không phận lẫn hải phận phần lớn Biển Đông, trừ khi Hoa Kỳ mạnh mẽ can dự vào đề bảo vệ, ít nhất cũng là bảo vệ đường hàng hải và hàng không.  

Về căn cứ trên đảo Hải Nam. Ngày 31/7/2015, The National Interest dẫn tin từ tạp chí Kanwa Asian Defense, thì căn cứ hàng không mẫu hạm tại đây có chiều dài 700 thước. Cùng lúc, có thể  tiếp nhận 2 hàng không mẫu hạm và nhiều chiến hạm. Tuy nhiên, một số cơ quan truyền thông của Trung Cộng nói rằng, hải cảng tàu sân bay này đã được xây dựng và hoàn tất hồi năm 2014, chớ không phải mới đây.

Thứ hai. Biển Đông, "khẩu chiến" giữa các quốc gia liên quan. 

Ngày 15/5/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng là Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi trên vùng này, kể cả rạn san hô Gạc Ma. Vì thế, Trung Cộng có quyền xây dựng bất cứ công trình gì trên đó”. Trung Cộng đã gia tăng diện tích đảo Đá Ngầm Chữ Thập từ 0,08 cây số vuông lên đến 0,96 cây số vuông, tức lớn hơn 11 lần diện tích trước khi bồi lấp, và đảo Đá Ngầm Chữ Thập lớn hàng thứ 5 trên Biển Đông, sau các đảo Phú Lâm, Đông Sa, Linh Côn, và đảo Tri Tôn.
Ngày 16/5/2015, sau khi tiếp Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Bắc Kinh, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị tuyên bố với báo chí rằng: “Việc xây dựng một số đảo đá ngầm tại Nam Sa (tức Trường Sa) nằm trong phạm vi lãnh hải Trung Cộng. Tôi muốn tái khẳng định ở đây rằng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của phía Trung Cộng là cứng như đá và bất di bất dịch.”

Ngày 17/7/2015, tờ Telegraph có bài "Mỹ sẳn sàng hành động ở Biển Đông", theo đó thì Đô Đốc Scott Swift, nhận chức Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ hồi tháng 5 vừa (2015). Ông bắt đầu công du Philippines ngày 16/7/2015 và kéo dài trong 4 ngày. Tại thủ đô Manila, Đô Đốc Swift cho biết: "Hải quân Mỹ có thể sẽ điều động nhiều hơn số lượng 4 tàu chiến ven biển mà Hoa Kỳ đã hứa đưa đến khu vực. Bảo đảm với các đồng minh tại Châu Á - Thái Bình Dương rằng, Hạm Đội Thái Bình Dương dưới sự chỉ huy của ông, bao gồm 200 tàu chiến và là hạm đội mạnh nhất thế giới, đang trong tình trạng sẳn sàng ứng phó với bất kỳ động thái bất ngờ nào mà Tổng thống Hoa Kỳ  cho là cần thiết”...
Ngày 29/7/2015, tại Hoa Kỳ, Tư Lệnh Hải Quân Nhật Bản cảnh báo rằng: "Khi Trung Cộng sử dụng các hòn đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp ở Trường Sa vào mục tiêu quân sự, toàn bộ vùng Biển Đông có nguy cơ rơi vào vùng ảnh hưởng quân sự của Trung Cộng".

Ngày 04/08/2015, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (ARF) lần thứ 48 chánh thức khai mạc tại thủ đô Malaysia. Trọng tâm của hội nghị là hình thành Cộng Đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Hồ sơ tranh chấp Biển Đông cũng được đề cập đến, bất chấp phản đối của Bắc Kinh. Theo một viên chức từ bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sẽ là trọng tâm của ARF lần này. Hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn, Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN là cơ hội để các nước Đông Nam Á trực tiếp bày tỏ lo ngại với Bắc Kinh, về những hành động mà nhiều quốc gia cho là Trung Cộng khiêu khích.

Ngày 5/8/2015, bị đả kích về hành động bồi đắp đảo nhân tạo, bên lề Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN tại Kuala Lumpur, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã khẳng định với các phóng viên, như sau: "Trung Cộng đã dừng công tác bồi đấp rồi. Quý vị muốn biết ai đang xây dựng thì lấy máy bay ra xem tận mắt đi".  Ông Vương Nghị biện minh rằng: "Toàn bộ các hòn đảo ở Biển Đông đều thuộc chủ quyền Trung Cộng, với tư cách là nước đầu tiên đã khám phá và đặt tên cho các đảo này". Ông cho là một số quốc gia khác đã xâm chiếm đảo của Trung Cộng tại Biển Đông. Chưa hết, Philippines đã bị Ngoại Trưởng Trung Cộng cho là nói dối khi nêu lên vấn đề Biển Đông, và ông đe dọa: "Theo luật pháp quốc tế, Trung Cộng có quyền bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình, sao cho các hành động vi phạm quyền lợi hợp pháp của Trung Cộng không tái diễn".

Cùng thời gian, hãng tin Pháp AFP dẫn tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, nhận định: "Sở dĩ Bắc Kinh dừng công việc bồi đắp, vì họ đã chuyển sang giai đoạn hai, xây dựng cơ sở trên các đảo đã bồi đắp xong".


Ngày 6/8/2015, bản tin đài BBC ghi nhận, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại hội nghị ASEAN, trước mặt Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị, trong một tuyên bố được đánh giá là cứng rắn nhất từ trước đến nay: "Trung Cộng hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng Biển Đông đang tranh chấp, bất chấp những lời bảo đảm từng được Bắc Kinh đưa ra là không cản trở lưu thông. Hoạt động xây dựng các cơ sở sử dụng trong mục đích quân sự mà Trung Cộng đang thực hiện trên các hòn đảo nhân tạo, đã làm tình hình căng thẳng thêm lên và kéo theo nguy cơ quân sự hóa.... Tự do hàng hải và hàng không là một trong những trụ cột quan trọng của luật biển quốc tế… Mặc dù đã có sự đảm bảo rằng, những quyền tự do đó sẽ được tôn trọng, trong những tháng gần đây chúng ta đã thấy việc ban hành những lời cảnh báo, và những mưu toan hạn chế tự do". Ngoại trưởng Mỹ kết luận: "Xin cho tôi được nói rõ, Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các hạn chế về tự do hàng hải và hàng không, hoặc hạn chế việc sử dụng Biển Đông một cách hợp pháp".

Vẫn trong hội nghị ASEAN 48. Tân Hoa Xã loan tin. Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị, đã bác bỏ những cáo buộc của Philippines, Nhật Bản, và Hoa Kỳ, và khẳng định rằng: "Nhìn chung, Biển Đông vẫn ổn định, và không hề có nguy cơ xung đột nghiêm trọng nào. Trung Cộng phản đối mọi lời lẽ và hành động không xây dựng, cường điệu về các bất đồng, và tạo ra căng thẳng, vì đó là những điều hoàn toàn không xác thực... Bắc Kinh cũng có cùng một mối quan tâm như các quốc gia khác về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vì hầu hết hàng hóa của Trung Cộng được vận chuyển bằng đường biển này.... Bắc Kinh luôn luôn quan niệm rằng, mọi bên đều có quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông dựa theo luật pháp quốc tế. Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các bên khác, trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực".

Tối 6/8/2015, tại Kuala Lumpur, Hội Nghị ASEAN 48 bế mạc, và bản Tuyên Bố Chung đã được ký sau những căng thẳng trong thảo luận. Trong cuộc họp báo ngay sau Hội Nghị, Bộ Trưởng Ngoại Giao Malaysia Anifah Aman nhấn mạnh: "ASEAN đã đạt được thống nhất trong nhiều vấn đề được quan tâm, đó là cam kết thực hiện Lộ Trình Cộng đồng ASEAN 2009 -2015 sẽ kết thúc vào cuối năm nay". 

Tóm lược các điểm chánh trong Tuyên Bố Chung của ASEAN 48: "(1) Rất lo ngại quan điểm của một số Bộ Trưởng (ám chỉ Campuchia, Lào, và Miến Điện. P.B. Hoa) về hành động của Trung Cộng đối với an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các bên cần tăng cường lòng tin lẫn nhau và giải quyết các bất đồng về Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS). (2) Các các viên chức cao cấp được trao trách nhiệm tiếp tục công tác hãy vận dụng kiến thức chuyên  môn đề hoàn chỉnh khung xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông (COC), vì đây là biện pháp phòng ngừa và đối phó với các diễn biến trên Biển Đông, cũng trong mục đích tăng cường lòng tin giữa các bên. (3) Ghi nhận ý kiến của Indonesia về "đường dây nóng" giữa chính phủ của khối ASEAN với Trung Cộng, để giải quyết nhanh chóng những sự kiện khẩn cấp".

Đây là lần đầu tiên, Hội Nghị cấp Ngoại Trưởng ASEAN mới ra được một bản Tuyên Bố Chung về tình hình Biển Đông, dù rằng Campuchia, Lào, và Miến Điện, bất đồng với nhận định về áp lực của Trung Cộng, mãi đến tối (6/8/2015) mới thông qua được.

Ngày 10/8/2015. Báo Business Insider của Ấn Độ, dẫn lời của Quốc Vụ Khanh đặc trách Ngoại Vụ, người có mặt tại cả hai hội nghị Đông Á và hội nghị cấp Ngoại Trưởng ASEAN 48 ở Malaysia, nói rằng: “Chúng tôi chia sẻ các quan tâm do các đồng nghiệp của chúng tôi trong khối ASEAN nêu lên về những diễn tiến trong tình hình Biển Đông. Quyền tự do hàng hải và hàng không các vùng biển quốc tế, kể cả ở Biển Đông, các hoạt động thương mại và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, là những vấn đề quan tâm của tất cả chúng tôi. Những lý do gọi là lịch sử mà Trung Cộng viện dẫn để tuyên bố giành chủ quyền trên hầu hết Biển Đông là không có cơ sở, nhưng lại dùng lý lẽ đó để bồi đấp các Đá Ngầm thành đảo nhân tạo, là ngược lại các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Đó là bất hợp pháp".


Thứ ba. Biển Đông, Hoa Kỳ chuẩn bị nhập cuộc.
Ngày 23/7/2015, tin tức từ Reuters cho hay, theo Đô Đốc Scott Swift, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng: "Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ coi Trung Cộng là nguy hiểm hơn các mối đe dọa khác, vì vậy mà ông sẽ điều động 52 chiến hạm tối tân đến để đối phó mối nguy hại này". Hiện nay, lực lượng quân sự chịu trách nhiệm an ninh Châu Á - Thái Bình Dương là Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Phạm vi lực lượng này trách nhiệm từ Alaska (Bắc Cực) xuống đến Ấn Độ Dương và Đông Nam Á, bao gồm 36 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Với dân số hơn 50% dân số thế giới. Cùng với lực lượng Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Alaska, Hawaii, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ kiểm soát một lực lượng hơn 106.000 quân ở Châu Á - Thái Bình Dương, cùng với hơn 300 khu trục cơ và oanh tạc cơ, máy bay trực thăng, và 5 Hạm Đội.

Ngày 6/8/2015. Nguồn tin từ RFI tiết lộ: "Hoa Kỳ chánh thức yêu cầu Phillipines về việc Hoa Kỳ đưa quân đội và vũ khí hạng nặng vào 8 căn cứ quân sự sau đây của Philippines: 4 căn cứ trên đảo Luzon + 2 căn cứ trên đảo Cebu + 2 căn cứ trên đảo Palawan gần quần đảo Trường Sa".  Trong khi nguồn tin từ Reuters thì các vũ khí hạng nặng bao gồm: "Tàu khu trục nguyên tử tàng hình + Máy bay tàng hình ném bom nguyên tử + Máy bay chiến đấu tàng hình".

Với tình hình Biển Đông, tờ Nguyệt San “Lợi Ích Quốc Gia” của Mỹ ngày 23/4/2015 đưa tin: "Không Quân Hoa Kỳ có lệnh tập trung máy bay ném bom hạng nặng cho Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương để sẳn sàng đối phó với Trung Cộng. Một trong những lý do khiến Hoa Kỳ điều động quân đội về hướng Đông Nam Á, vì tin tình báo cho biết Trung Cộng sẽ đưa các máy bay đánh bom hạng nặng đến căn cứ trên đảo Hải Nam, căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và căn cứ trên Đá ngầm đã trở thành đảo lớn thuộc Trường Sa. (trích trong FB Trương Văn Khoa)

Kết luận.
Các Anh suy nghĩ gì thì tùy Các Anh, nhưng Các Anh đừng quên là trên thế giới, chưa bao giờ có sự kiện người dân từ các nước Dân Chủ Tự Do chạy sang các nước cộng sản độc tài xin tị nạn chính trị, chỉ có người dân từ các nước cộng sản độc tài ào ạt chạy sang các nước Dân Chủ Tự Do xin tị nạn chính trị. Riêng tại Việt Nam:
Thứ nhất. Trong vòng 300 ngày từ sau Hiệp Định Đình Chiến 20/7/1954 có hiệu lực, đã có 868.672 người từ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chạy vào nước Việt Nam Cộng Hòa dân chủ tự do tị nạn. Trong các năm 1954-1956, có thêm 102.861 người trốn khỏi phần đất cộng sản vào phần đất tự do chúng tôi tị nạn. Cộng chung là 971.533 người. Đó là cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 1 “bầu chọn Dân Chủ Tự Do”.

Thứ hai. Trong vòng 20 năm kể từ ngày 30/4/1975, đã có 839.200 người vượt biên vượt biển đến tị nạn chính trị tại 91 quốc gia tự do, và Liên Hiệp Quốc ước lượng khoảng 400.000 đến 500.000 người đã chết mất xác trên biển và trong rừng, trên đường chạy trốn cộng sản! Lại cuộc bỏ phiếu bằng chân lần 2 “bầu Tự Do”. chọn Dân Chủ.

Các Anh hãy nhìn lên vách để thấy tấm lịch đang là năm 2015, như vậy chỉ  còn 5 năm nữa là đến năm 2020 rồi! Nếu Các Anh vẫn vô cảm mà đứng nhìn thì cầm chắc Các Anh sẽ nhận thẻ “Chứng Minh Nhân Dân” của Trung Cộng bằng tiếng Tàu đó!  

Và hãy nhớ “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.

Texas, tháng 8 năm 2015
Phạm Bá Hoa
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~




__._,_.___

Posted by: Tran Van Long 

No comments:

Post a Comment

Featured post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-21/12/2024

Popular Posts

xx

xx

My Blog List