’Lý tưởng cộng sản’ hay
’lý tưởng chợ chiều’?
Phạm Nhật Bình
Chế độ cộng sản tại Việt Nam là chế độ thường trưng bày nhiều thứ đặc sản rẻ tiền và lỗi thời về tư tưởng để bắt người dân phải noi theo. Bên cạnh những lời rao giảng về đạo đức cách mạng, noi gương tư tưởng H.C.M, “lý tưởng cộng sản” là món hàng nặng ký lòe bịp thiên hạ suốt hơn 80 năm qua.
Vì đem ra xài mãi mà không có cách tân trang, cái “lý tưởng cộng sản” hào nhoáng và mòn nhẳn ấy bị nhân dân và chính các đảng viên khinh thường, coi như món đồ cổ hư nát vô giá trị. Thế nhưng mới đây, ông Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội lại mang cái lý tưởng lem luốc ấy ra xài, mà lại xài ngay với một blogger, đang theo học tại trường.
Theo lời kể của blogger Phạm Lê Vương Các trên facebook của mình, hôm mồng 1 tháng 9 vừa qua, anh được mời lên làm việc với ông Hà Đức Trụ, Trưởng Khoa Đại học Liên thông - kiêm Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Tại đây, anh Vương Các được ông Hà Đức Trụ cho biết, “bên Tổng Cục an ninh” có báo cáo về trường hợp của Các và “khuyên” anh một cách thẳng thừng: “Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và kiếm trường khác mà học”.
Nếu là một sinh viên khác, nghe nói đến Tổng cục an ninh tất nhiên lẳng lặng chấp nhận đi tìm một trường khác. Nhưng ở đây, ông Trụ lại gặp một sinh viên biết bảo vệ quyền lợi của chính mình. Vì vậy, anh Các đã thắc mắc.
Sự thắc mắc chính đáng của anh sinh viên được ông hiệu phó giải thích bằng cách đi thẳng vào vấn đề: “Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng Cộng sản. Trường này do những người Cộng sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị cộng sản này.”
Lần đầu tiên người ta nghe một câu nói tách bạch từ cửa miệng một ông thầy giáo về một kiểu cách đào tạo một chiều hiếm có này.
Lý do ấy dĩ nhiên là chính đáng, nhất là đối với nhân viên an ninh giấu mặt. Nó cũng chính đáng với nhà trường mà người đại diện chính là viên phó hiệu trưởng. Nói ra điều này - một cách trắng trợn - trước một sinh viên của trường, những người có trách nhiệm giáo dục lộ diện họ chỉ là tay sai thi hành mệnh lệnh của Bộ Công an. Liệu những người thầy như thế sẽ “giáo dục và đào tạo” được gì cho lớp trẻ về lòng dũng cảm, yêu nước hay chỉ dạy cho trẻ con biết đi trên mảnh thủy tinh bể?
“Lý tưởng cộng sản”, mỹ từ ấy xem ra không còn hấp dẫn và không còn lường gạt được ai, nhất là giới trẻ ngày nay, những người mà chân trời internet đã mở rộng cho họ một kho kiến thức khổng lồ. Từ đó, họ nhận ra được rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trong rất nhiều trào lưu tư tưởng của nhân loại đã xuất hiện và đã bị vượt qua. Sản phẩm của Âu châu ấy đã được nước Nga sử dụng và dứt khoát vứt bỏ vì thiếu khả năng thay đổi để thích nghi với một cuộc cách mạng xã hội đem lại sự hùng mạnh và phồn vinh cho đất nước họ.
Lãnh đạo cộng sản Việt Nam cho tới ngày nay chưa thấy hay cố ý không thấy được điều đó. Nên lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lê rồi tư tưởng H.C.M, một sản phẩm tưởng tượng đang ế khách vẫn được tôn thờ là “chân lý thời đại” và mang ra hù dọa người dân. Mục tiêu tối hậu của đảng không gì khác hơn là tìm cách giữ chặt quyền lực trong tay để tiện bề vơ vét cho đầy túi tham, ngoài ra tất cả chỉ là lừa bịp.
“Khi dự tuyển vào trường này em không thấy chỗ nào giới thiệu trường này là do những người Cộng Sản lập ra, mà trường này là trường Dân lập. Em cũng không quan tâm và không cần biết trường này do Cộng sản hay Tư bản lập ra.. Và em cũng nói cho thầy biết, chức năng cao cả của giáo dục không phải là để đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị. Mà là đào tạo ra những con người tự do trước chế độ chính trị.”
Biện luận xác đáng của một sinh viên trẻ trong cuộc đối đáp qua lại buộc ông Hà Đức Trụ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan nên đã ngụy biện rằng:
“Giáo dục của Anh, Pháp, Mỹ cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị của nó, và giáo dục của Việt Nam cũng vậy”.
Nhưng ông ta dường như không có chút hiểu biết cỏn con nào về nền tự trị đại học mà đa số các nước dân chủ Âu-Á đang theo đuổi. Ở đó, người đi học không bị buộc phải chọn lựa một hệ thống chính trị hay kinh tế nào. Và các nhà trường đại học cũng không phải sợ chính quyền can thiệp vào việc giảng dạy của mình.
Vì lẽ dễ hiểu, ông phó hiệu trưởng chưa bao giờ ra khỏi nền giáo dục định hướng của đảng mà chính ông cũng phải thừa nhận là “không chỉ trong các trường đại học có chi bộ Đảng mà còn có cả An ninh để quản lý và theo dõi sinh viên nữa”. Cũng vì thế, nhà trường xã hội chủ nghĩa chỉ đào tạo được những cái cần câu cơm tốt mà không hề có những cái đầu biết sáng tạo.
Tuy nói cứng như thế với sinh viên nhưng khi trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh ngoại quốc hôm 4/9, phó hiệu trưởng Hà Đức Trụ lại chối lia chối lịa việc “khuyên” sinh viên Các nghỉ học và “khẳng định không hề có chuyện khuyên sinh viên này nên nghỉ do sức ép của an ninh”. Ông còn hùng dũng nói “An ninh không có quyền can thiệp vào trường của tôi!”. Nhưng ông cũng mau quên khi trước đó ông hành động căn cứ vào thông báo của ngành an ninh.
Qua vụ này, mọi người nhìn thấy rất rõ ràng bàn tay chính trị bẩn thỉu của đảng CSVN vẫn còn thọc sâu vào giáo dục nói riêng và quyền con người nói chung. Đó cũng là lý do giải thích vì sao nền giáo dục vì lý tưởng cộng sản lại bị đánh giá bằng hai chữ “thối nát” bởi một học sinh lớp 6.
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào đầu tháng 7, tại buổi nói chuyện trước diễn đàn CSIS chính ông Nguyễn Phú Trọng cao giọng khoe khoang là "không gian nhân quyền ở Việt Nam rộng mở hơn bao giờ hết". Nhưng cách đuổi học nhân danh “lý tưởng cộng sản” cũng cho thấy là chế độ cũng chưa dám làm thẳng tay mà trước hết tìm cách thuyết phục. Vì trong thâm tâm, họ cũng biết sự bất mãn trong xã hội dâng cao và những gì họ đưa ra dễ dàng bị bài bác.
“Lý tưởng cộng sản” nay đã mờ nhạt như ánh hoàng hôn, tưởng cũng nên đổi lại là “lý tưởng chợ chiều"!
No comments:
Post a Comment