Nhân vật của năm 2015: lưu manh đỏ
Trương Duy Nhất
Năm 2015 nổi lên hàng loạt vụ hành hung, trấn áp thô bạo các nhà
bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ. Tăng cả về số vụ lẫn độ tàn độc, dã
man, và tăng cả về quân số hùng hậu của lực lượng “lưu manh đỏ” này.
Nếu trên mạng là cuộc tấn công bôi nhọ sặc màu tục tĩu, vô học của
đội quân “dư luận viên”, thì ngoài xã hội là những cuộc tấn công đậm chất côn
đồ, lưu manh kiểu xã hội đen nhằm vào các blogger, nhà báo độc lập, luật sư và
các nhà hoạt động dân chủ.
Từ vụ đánh đập dã man Nguyễn Chí Tuyến đến cuộc trấn áp anh em
Trịnh Bá Tư – Trịnh Bá Phương và bà con Dương Nội khi vào trại giam số 6 đón anh
Trịnh Bá Khiêm mãn hạn tù; đến cuộc hành hung các cựu tù Chu Mạnh Sơn, Trương
Minh Tam… trên đường đi đón bạn tù Trần Minh Nhật; đến các vụ hành hung tàn bạo
chị Trần Thị Nga; đến các cuộc ném mắm tôm và hành hung sưng đầu bầm ngực anh
Nguyễn Văn Thạnh; đến các cuộc quấy phá khủng bố Nguyễn Lân Thắng của nhóm “áo
đỏ phản ứng nhanh” Hà Nội; đến cú tạt a xít lên đầu anh Trương Dũng; đến cuộc
hành hung luật sư Nguyễn Văn Đài và cuộc tấn công mang tên “bụi Chương Mỹ” nhắm
vào các luật sư Trần Thu Nam, Lê Luân; đến cuộc trấn áp đẫm máu cựu binh Trần
Bang trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn để phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình…
Dư luận đặt dấu hỏi về “vai trò chỉ huy” của lực lượng an ninh
đứng sau đội quân trấn áp này. Thậm chí nhiều vụ, người ta nghi ngờ đội quân trấn
áp lưu manh đó chính là… an ninh mặc thường phục. Tuy nhiên, về phía cơ quan an
ninh, họ luôn phản bác và cho rằng đấy là lũ… lưu manh, côn đồ!
Anh Quốc, một nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi ngụ tại Lăng Cô, Thừa
Thiên – Huế (người cũng từng bị nhiều trận trấn áp hành hung dạng này) trong
một lần tình cờ tiếp tôi cùng nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo nhận định:
“Bọn đó không phải lưu manh côn đồ đâu. Lưu manh côn đồ họ có tâm hơn”.
Chưa thể xác thực được họ là… lực lượng nào. Nhưng điều xác thực
được là họ rất lưu manh, rất côn đồ, rất mất dạy, rất tàn ác. Và đặc biệt: họ
đều xưng danh “yêu nước, bảo vệ đảng và chế độ” khi ra tay hành hung trấn áp
các nhà hoạt động dân chủ.
Vì thế tôi gọi họ là đám “lưu manh đỏ”. Và chọn họ, lực lượng “lưu
manh đỏ” là nhân vật của năm. Như một chỉ báo mai mỉa cho thực trạng xã hội của
năm 2015 vừa qua.
_______________
Lời thêm:
Như các bình chọn thường niên khác trên Một Góc Nhìn Khác, “Nhân
vật của năm” cũng theo tiêu chí ấn tượng (cả nghĩa cộng hoặc trừ), miễn là nó
thật sự nổi bật, tác động thật sự, gây những cơn sóng xã hội thật sự. Ưu tiên
cho nghĩa cộng. Nhưng khi phía cộng không thật đủ mạnh, thì đành phải nhường
ghế cho phía trừ.
Nguyễn Bá Thanh và sự ra đi hồi đầu năm của ông thật ấn tượng (ấn tượng
theo đúng nghĩa cộng), nhưng không đủ để đưa ông thành nhân vật của năm.
Cấn Thị Thêu bất khuất, người tù quả cảm, nguồn lửa của phong trào
nông dân Dương Nội. Như một hiện tượng. Nhưng hiện tượng Cấn Thị Thêu theo tôi,
vẫn chưa đủ ngưỡng để bùng cháy thành một mẫu hình nhân vật của năm theo đúng
nghĩa cộng mà tôi hằng mong đợi.
Ở nghĩa trừ. Con ruồi Tân Hiệp Phát dậy sóng đấy, nhưng xếp cùng
để cân đong với hiện tượng “lưu manh đỏ” thì tôi chọn lũ “lưu manh đỏ”.
T.
D. N.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment