Phản hồi về chương trình Khủng Bố tại Little Saigon của Frontline
Đức Nguyễn
Tôi nghe về dự án này cách đây một năm khi một người bạn kể tôi nghe
anh ta được nhờ giúp cho AC Thompson. Và tôi đã xem tài liệu Enforcing the Silence
(Ép Buộc Im Lặng) của Tony Nguyen cách đây một vài năm. Nhưng sau khi xem phim
Khủng Bố tại Little Saigon của Frontline phát hình tối qua, đọng lại trong tôi
muôn vàn suy nghĩ. Và trong số đó không có nhiều cảm nhận tốt.
Quả thật vậy,
vai chính AC Thompson lên đường đi tìm sự thật về cái chết của một số ký giả
người Mỹ gốc Việt mà hồ sơ án mạng nguội lạnh trong nhiều thập niên. Anh ấy có
rất nhiều câu hỏi và cũng rất nhiều giả định. Nhưng không có lời đáp rõ ràng.
Và để hiểu rõ tài liệu này, tôi cũng có nhiều câu hỏi.
1) Khủng bố? Ở đâu? Little Saigon? Ôi chao! Chỉ với cái tên Khủng
Bố tại Little Saigon phim tài liệu đã lập ra một đối thủ trông như một quái vật
gieo rắc nỗi sợ hải vào nạn nhân của nó. Ở đầu phim tài liệu AC Thompson cho
rằng quái vật đó là Mặt Trận (The Front), một nhóm người vũ trang có tổ chức mà
mục tiêu là khởi động cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Và bất cứ ai ngăn cản bước
đường của họ sẽ bị tiêu diệt. AC Thompson đi tới đi lui tìm ai đó từ Mặt Trận
để kể cho anh ấy những điều anh ta muốn nghe. Anh ấy chẳng xác định ra được ai
đứng đằng sau và điều khiến Mặt Trận, làm cho chúng ta thắc mắc: Mặt Trận là ai
vậy?
Trong khi đó, hình ảnh những người đàn ông lớn tuổi mặc quân phục
mang súng trường cùng với nhạc đệm đầy ấn tượng mang âm hưởng Philip Glass chắc
chắn là có chủ đích tạo liên đới. Tôi có thể hình dung ra, lần tới có cuộc diễn
hành ở Little Saigon với những người đàn ông mặc quân phục đi diễu hành sẽ có
tiếng xì xào với lời thì thầm “Mặặătttt Trậậậnn…” Hmmm, tôi tự hỏi chuyện gì sẽ
xảy ra nếu AC Thompson đứng ở giữa một chuyến bay và la lớn: “Khủng bố.” Có người
sẽ hỏi: “Ở đâu?” Anh ấy trả lời: “Trong phòng lái.” Chắc bạn có thể đoán được
chuyện gì sẽ xảy ra.
Giả thuyết âm mưu về chính quyền Hoa Kỳ? Thiệt vậy sao? Lại có nữa.
Dường như mỗi lần ai đó không thể chứng minh một giả thuyết thì lại chỉ trỏ về
chính quyền. Lần này là CIA và FBI. AC Thompson vẽ lên một giả thuyết đây là sự
che đậy của chính quyền về các vụ sát hại cũng như các hoạt động bất hợp pháp của
Mặt Trận. Tôi tình cờ biết có một vụ tương tự cáo buộc các lãnh đạo cộng đồng
người Hmong về tội âm mưu lật đổ chính quyền Lào.
Năm 2007, the Bureau of
Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives, FBI, và Joint Terrorism Task Force (Cơ
quan về Rượu, Thuốc Lá, Vũ Khí và Chất Nổ, FBI và Lực Lượng Đặc Nhiệm Kết Hợp
Chống Khủng Bố) bắt giữ cựu tướng Vang Pao vì có liên hệ đến sự việc được cho
là âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản Pathet Lào, vi phạm Luật Trung Lập của liên
bang.
Tại sao chính quyền Hoa Kỳ không che đậy vụ này? Đồng nghiệp của tôi là
David Grabias có làm một phim tài liệu mang tên Operation Popcorn (Kế Hoạch Ngô
Rang) tường thuật vụ xử tướng Vang Pao và việc bắt giữ các nhân viên của ông và
các vụ xử sau đó. Phim tài liệu này được tài trợ một phần bởi Corporate for Public
Broadcasting để phát hình trên đài PBS. Phim của anh không được lưu ý nhiều
lắm. Trong khi đó, Khủng Bố Tại Little Saigon lại được truyền thông hồ hởi đón
nhận. Này, cái đó mới là âm mưu.
Hình như tôi đã thấy cái cốt chuyện này ở đâu rồi? Đài WGBH thực hiện
hai phim tài liệu về Việt Nam trong năm nay: Last Days in Vietnam (Những Ngày
Cuối Cùng tại Việt Nam) và Terror in Little Saigon (Khủng Bố tại Little Saigon).
Cả hai có vai chính là người da trắng tìm cách giúp những người Việt Nam bất
lực. Cả hai quy kết cho người quá cố làm thủ phạm; Cựu Đại sứ tại Việt Nam
Martin trong phim Những Ngày Cuối Cùng và ông Hoàng Cơ Minh trong phim Khủng Bố.
Vào cuối phim một không khí biện bạch xin lỗi bao trùm trong lúc vai chính cảm
thấy buồn rầu cho sự việc xảy ra. Hình như đây là thời buổi mang mặc cảm tội lỗi
của người da trắng? Như người Đức cảm nhận về vụ Holocaust, người Mỹ bắt đầu giải
quyết mặc cảm tội lỗi về Việt Nam. Hừ, hơi trễ và chẳng ích lợi gì đối với tôi.
Chúng ta là nạn nhân hay là thủ phạm?
Sự im lặng dường như là chủ
đề quay đi quay lại trong phim tài liệu này. Ký giả bị bịt miệng, chứng nhân giữ
im lặng, không ai chịu lên tiếng. Thành ra một mình AC nói. Anh nói qua phần thuyết
minh. Anh nói với một máy trả lời không có ai bên đầu kia. Anh nói vô điện
thoại. Anh nói với những người dấu mặt. Tôi bắt đầu nghĩ đến đây là một màn độc
diễn sau khi xem được một lúc. Sau khi suy xét một hồi lâu, tôi kết luận rằng
cái tội duy nhất ở đây là sự im lặng. Khi giữ im lặng, nạn nhân để cho hung thủ
giết người trốn thoát.
Khi truyền thông Việt Nam giữ im lặng, đòn phép hăm dọa
nảy nở. Và khi cộng đồng chúng ta lặng yên không lên tiếng, thì những văn hóa
trội hơn sẽ tiếp tục mô tả về chúng ta một cách tiêu cực.
Nếu chúng ta tiếp tục
lờ đi tầm quan trọng của việc tạo dựng hình ảnh đại diện của chính mình qua truyền
thông, tường thuật, nghệ thuật và âm nhạc, thì chúng ta không thể hình thành
trọn vẹn bản sắc của chúng ta tại quốc gia này.
Đức Nguyễn
- - -
Ông Đức Nguyễn, nhà làm phim tài liệu, đã từng nhận giải Emmy, một
giải nhiều uy tín trong nghành TV Mỹ, tương đương với giải Oscar bên phim ảnh.
Trong những phim của ông có phim "Bolinao 52," một bộ phim tài liệu
về thuyền nhân Việt Nam và "STATELESS", về những người tỵ nạn
"vô tổ quốc", được trình chiếu trên TV.
Nguồn: FB Duc Nguyen
No comments:
Post a Comment